Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

Hơn một tuần nay, anh Văn Thành không đăng nhập vào Axie Infinity sau khi chứng kiến giá token trong game liên tục giảm.

Anh Thành (Cần Thơ) cho biết đã bỏ ra 2.000 USD cho năm tài khoản Axie Infinity từ tháng 3. Mỗi tài khoản anh mua 3-5 nhân vật Axie trong game. Con số này thấp hơn nhiều so với mức đỉnh giữa năm ngoái, khi người chơi phải chi khoảng 1.000 USD cho mỗi tài khoản có tối thiểu ba Axie, sau đó chơi game để nhận về token SLP.

"Khi đó, giá SLP đạt hơn 0,02 USD mỗi đồng. Với năm tài khoản, mỗi ngày tôi kiếm về khoảng 800-1.200 SLP, tương đương 15-25 USD. Dự tính sau hơn hai tháng, tôi sẽ bắt đầu có lời", anh Thành nói.

Thế nhưng đến đầu tháng 5, anh chưa thể hoàn vốn vì giá SLP vẫn giảm dần. Từ mức 0,02 USD mỗi đồng lúc anh tham gia, hiện token này còn 0,005 USD. Còn so với mức đỉnh 0,4 USD vào tháng 7 năm ngoái, token đã sụt giá trị hàng chục lần.

Giá token SLP giảm đều sau khi đạt đỉnh vào tháng 7 năm ngoái. Nguồn: CoinMarketCap

Giá token SLP giảm đều sau khi đạt đỉnh vào tháng 7 năm ngoái. Nguồn: CoinMarketCap

"Giờ mỗi ngày tôi vẫn kiếm được số lượng SLP như trước, nhưng số tiền thực tế chỉ còn 3-5 USD. Nhìn biểu đồ giá, tôi không muốn chơi nữa vì tiền kiếm được không đáng công bỏ ra", anh Thành cho biết. "Tôi vẫn giữ lượng SLP đã kiếm được, chờ tăng giá để bán thu hồi vốn và thoát khỏi thị trường".

Trong khi đó, Nguyễn Mai (Bình Dương) cũng chi 1.000 USD cho game NFT có tên BombCrypto từ cuối tháng 12/2021. Khi đó, giá token của game là Bcoin đạt mức 4 USD. Tuy nhiên, kể từ đó, token này giảm tới 100 lần giá trị, về mức 0,04 USD.

"Đã hai tháng nay, tôi không vào game, xác định mất trắng số tiền và xem đây là bài học đáng giá", chị chia sẻ.

Giá token Bcoin giảm từ 8 USD mỗi đồng vào cuối tháng 12/2021 còn 0,04 USD tính đến 16/5. Nguồn: CoinMarketCap

Giá token Bcoin giảm từ 8 USD mỗi đồng vào cuối tháng 12/2021 còn 0,04 USD tính đến 16/5. Nguồn: CoinMarketCap

Trên các hội nhóm chuyên về game NFT, một số người thừa nhận họ không còn mặn mà với các trò chơi kiếm tiền (play-to-earn) đang tham gia vì giá của token kiếm được trong game giảm sâu. Ngoài Axie Infinity hay BombCrypto, nhiều game khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khiến người chơi nản lòng. Một số chọn cách bán token kiếm được để cắt lỗ, trong khi số còn lại giữ chúng và đợi tăng giá.

Xu hướng chơi game kiếm tiền nổi lên từ giữa năm ngoái sau hiện tượng Axie Infinity do Sky Mavis phát hành. Để tham gia, người chơi phải đầu tư một số tiền nhất định, ít nhất từ vài chục USD mua vật phẩm trong game, sau đó "cày" để kiếm token và quy đổi ra tiền, hoặc trao đổi các vật phẩm thu lời.

Theo dữ liệu từ Coingecko vào tháng 9/2021, với 8 tiếng bỏ ra mỗi ngày cho Axie Infinity, người chơi tại Malaysia và Philippines có thể thu về hàng nghìn USD mỗi tháng. Tuy nhiên, đến cuối năm ngoái, số liệu của công ty tư vấn trò chơi Naavik cho thấy, người tham gia Axie Infinity ở Philippines chỉ kiếm được số tiền mỗi tháng thấp hơn lương tối thiểu của nước này.

Trả lời Naavik, Sky Mavis cho biết trong đại dịch, Axie Infinity như "chiếc phao cứu sinh cho hàng trăm nghìn người ở Philippines" vì giúp họ kiếm tiền, đồng thời đánh giá báo cáo trên chưa sát thực tế, chỉ tập trung vào một nhóm người nhất định.

Một người chơi game Axie Infinity trên smartphone. Ảnh: Talcual Digital

Một người chơi Axie Infinity trên smartphone. Ảnh: Talcual Digital

Một số chuyên gia cho rằng các mô hình game chơi kiếm tiền hiện nay không có tính bền vững. "Với đặc trưng tổng cung vô hạn do được tạo ra ngày càng nhiều, tiền số trong game sẽ luôn mất giá theo thời gian. Người chơi cần nhận thức rõ điều này ngay từ khi bước vào lĩnh vực chơi game kiếm tiền", Thế Vĩ, người có 5 năm kinh nghiệm về game blockchain, cho biết.

Cũng theo anh Vĩ, đa số game blockchain chỉ đem lại lợi nhuận cho những người tham gia đầu tiên. Thông thường, giá token ban đầu ở mức thấp, có thể mua nhân vật, vật phẩm với giá rẻ. Sau khi được nhiều người biết đến, giá token tăng mạnh giúp họ thu lời. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, giá của chúng có thể sẽ giảm mạnh do được khai thác ngày một nhiều, khiến người tham gia sau thiệt thòi. Thậm chí, nếu đội ngũ phát triển không uy tín, dùng chiêu rút thảm, người chơi có nguy cơ mất trắng.

Theo Quốc Khánh, một nhà phát triển game tại TP HCM, không ít dự án game NFT hiện nay được xây dựng một cách vội vàng, đồ họa kém, ít tính năng, thậm chí theo mô hình đa cấp, sau đó quảng bá nhiều nơi nhằm tạo tâm lý sợ bị bỏ lỡ (FOMO). Do đó, người chơi khi tham gia thị trường cần cân nhắc kỹ và chỉ nên coi đây là hình thức giải trí có thể kiếm tiền, thay vì xem là công việc kiếm tiền và tập trung toàn thời gian cho chúng.

"Để hạn chế rủi ro, người chơi cần tìm hiểu kỹ dự án, lộ trình và bản chất của game. Do tuổi thọ của hầu hết các game blockchain thường ngắn, người chơi chỉ nên bỏ ra số tiền nhất định và xác định tâm lý rằng chúng có thể mất bất cứ lúc nào", anh Khánh khuyến cáo.

Bảo Lâm

Adblock test (Why?)


Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét