Trên Facebook của mình, mới đây, anh Nhan Thế Luân – CEO kiêm Founder của Nhạc Của Tui đã có status như sau:
“Finally Time For Me To Leave (Tạm dịch: Cuối cùng tôi cũng đã rời đi)
Vài năm trước, tui đã bắt đầu nói trong công ty là muốn tìm người thay CEO để làm việc khác. Không phải vì hết đam mê mà là có nhiêu skill (kỹ năng – tài năng) đã xài hết và công ty cũng cần trẻ hơn, năng động mới hơn, sáng tạo hơn…
Đời người chúng ta có khoản 30 năm đi làm việc và tui đã dành 1/2 cho NhacCuaTui.com từ lúc bắt đầu cho tới NCT Corp sau này, thế cũng là đủ thể hiện tình cảm dành cho NCT.
Sau nhiều lần đề xuất, được đồng ý của BOD, kể từ 01/10/2021, mình chính thức rời ghế CEO của NCT Corporation để thử thách cơ hội mới (còn thử thách gì chưa biết vì còn đang bận trồng cây và chăm chó đến qua Tết đã, anh em có kèo hay ho gì cứ rủ nha…).
Xin cám ơn tất cả nhân viên NCT, đối tác và những người bạn đã đồng hành cùng con đường 15 năm qua… Mãi iu và luôn tự hào vì điều đấy”.
Trong những bình luận phía dưới bài đăng này, thay vì cảm thấy đáng tiếc thì hầu hết bạn bè của anh đều vui mừng và chúc anh thành công trên con đường mới. Có lẽ, không chỉ bản thân Nhan Thế Luân mà cả bạn bè anh đều biết: dừng lại đúng lúc sẽ tốt cho cả hai.
Có thể xem Nhan Thế Luân và Nhạc Của Tui là những founder và startup thế hệ đầu của giới khởi nghiệp Việt Nam.
Như chia sẻ trên truyền thông của doanh nhân này: thì ý tưởng tạo ra một trang nghe nhạc trực tuyến đến với anh một cách rất tự nhiên. Năm 2006, anh đã bỏ ra 10 USD để mua một tên miền nghe rất dân dã, thuần miền Nam tên "Nhaccuatui" với mục tiêu đầu tiên là chia sẻ những bài nhạc mình thích với bạn bè.
Thế rồi, đến một ngày bạn bè nói với Luân: ‘Sao không làm gì với nó đi’ khi lượng người truy cập trang đạt con số vài nghìn. Và Luân quyết định sẽ "làm gì đó" thật khi quyết định bỏ công việc ổn định với mức lương vài trăm đô mỗi tháng, tại một công ty phần mềm, để chuyên tâm xây dựng website này.
Từ 60 triệu đồng vay từ mẹ để mua máy chủ đầu tiên, Nhan Thế Luân đã thành lập NCT Corporation vào 2007. Doanh thu từ quảng cáo năm đầu tiên đạt 300 triệu đồng. Trong những năm 2007 – 2008 - 2009, Nhạc Của Tui, Zing MP3 và Nhạc Số là những cái tên vang dội ở thị trường khởi nghiệp công nghệ - âm nhạc.
"Ở thời điểm ban đầu, chúng tôi không có tiền chạy quảng cáo, thay vào đó tập trung 100% công sức vào khâu nghiên cứu để tìm ra điểm mạnh nhất của mình so với hàng trăm web nhạc khác trên thị trường.
Quá trình nghiên cứu đã tìm ra điểm khác biệt cho NCT, đó là tính năng nhúng nhạc vào blog và tạo list nhạc cá nhân hóa cho từng người. Chính 2 sự khách biệt lớn lao đó đã giúp NCT ‘viral’ được trong thế giới Yahoo Messenger và Blog, tạo nên sự đột biến về lượt người dùng truy cập website", Nhan Thế Luân hồi tưởng.
Nhân sự Nhạc Của Tui.
Tuy nhiên, sau sự phát triển phi mã đó, NCT lại gặp phải vấn đề muôn thuở của ‘con nhà nghèo’ khác đó là không đủ năng lực hệ thống để phục vụ người dùng.
"Lượng người nghe nhạc tăng trưởng nhanh chóng, trung bình tăng trưởng 20% mỗi tháng và liên tục trong suốt 4 năm đầu. Lúc này điều kiện đâu mà mua server nguyên bản và thế là tôi và một người bạn đã phải tự mày mò mua linh kiện về lắp ráp, kết quả là giá thành rẻ một nửa mà vẫn cứ chạy êm ru.
Vậy nên, ‘lợi thế’ của con nhà nghèo khi khởi nghiệp là nghĩ ra những giải pháp sáng tạo mà chưa ai nghĩ đến", anh từng chia sẻ trên VnExpress.
Đến 2010, doanh số của họ đã là 10 tỷ và dự kiến năm 2011 lên tới 20 tỷ đồng, trong đó 80% đến từ quảng cáo và thu phí người dùng, dịch vụ tổ chức event chiếm 20% còn lại. Sau 4 năm, lượng khách truy cập vào trang nhạc đã lên tới con số hàng triệu người mỗi ngày. Tất nhiên, tại thời điểm này họ vẫn chưa có lời.
Và trong 10 năm tiếp theo, dù đã tìm rất nhiều cách thức khác nhau để khai thác hiệu quả lượng người dùng khoảng vài triệu mà mình đang có, song cơ bản là NCT chưa thành công. Startup này từng thử vài lần phát hành game, rồi đa dạng hóa nội dung số - không chỉ có âm nhạc, tính phí nghe nhạc có bản quyền theo lượt nghe và theo tháng, bán quảng cáo…
Không những thế, các startup về nhạc số gốc Việt càng đi càng bế tắc. Tháng 10/2016, FPT Telecom phát đi thông báo đóng cửa trang nhacso.net sau 11 năm thành lập. Còn VNG có vẻ muốn buông mảng nội dung số - không chỉ với Zing MP3 mà cả với Zing TV.
Năm 2016, nhà đầu tư ủy thác nước ngoài đã rót vào Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam - VFM hơn 115 tỷ đồng để đầu tư vào cổ phiếu các doanh nghiệp chưa niêm yết. Trong đó, VFM nhận ủy thác khoảng 12,6 tỷ đồng vào CTCP NCT. Tuy nhiên, từng đó là chẳng bõ bèn gì so với lượng vốn mà NTC cần để tăng trưởng vượt bậc như giai đoạn đầu tiên.
Nguồn: VFM
Chưa hết, Youtube, Apple Music và Spotify bắt đầu tràn vào Việt Nam. Thành lập vào năm 2008, dù có tới 150 triệu người dùng Premium và 365 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, song ‘kỳ lân’ Spotify vẫn đang lỗ. Việc Youtube vẫn cho phép người dùng nghe nhạc - xem nội dung số miễn phí đã khiến tiến trình phát triển của Nhạc Của Tui hay Spotify càng khó hơn.
Có thông tin, Nhạc Của Tôi từng thử ‘bán mình’ cho Viettel, nhưng cuối cùng lại không thành.
Có rất nhiều founder và dự án ra đời cùng thế hệ với Nhạc Của Tui (tính là trong giai đoạn đầu), một vài đã thành ‘kỳ lân’ như VNG và sắp thành ‘kỳ lân’ như Tiki, song cũng có những dự án đã tan biến vào hư không; tồn tại bền bỉ dù phát triển khá cầm chừng như Nhạc Của Tui là một điều khá hiếm.
Vậy nên, có thể xem Nhan Thế Luân là biểu tượng của sự bền bỉ trong giới khởi nghiệp. Hơn nữa, biết là một chuyện chứ không phải ai cũng dũng cảm thú nhận rằng "có nhiêu skill (kỹ năng – tài năng) đã xài hết" và thông báo dứt áo ra đi một cách đĩnh đạc – đàng hoàng như doanh nhân sinh 8X này.
Xem Chi Tiết Ở Đây >>>
Bạn có thể quan tâm:
>> Máy nhồi bột Bear có tốt không? Địa chỉ mua máy nhồi bột Bear chính hãng
>> Nồi phủ sứ an toàn Honey's HO-AP2C182 size 18 màu vàng
>> Trên tay Galaxy A52 5G: Phiên bản nâng cấp với màn hình 120 Hz, chip Snapdragon 750G và thiết kế không đổi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét